Theo báo cáo từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện có hơn 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, với doanh thu thuần là hơn 1.465.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Cùng đó, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao và gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, điều này là do các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tính liên kết còn hạn chế; yếu tố tạo lập thị trường, liên kết vùng, nhân sự, lao động… vẫn còn yếu.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; dệt may, da giày;…, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn đang tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp; cùng đó là sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa các mắt xích trong nội ngành và giữa các ngành công nghiệp dẫn tới sự phát triển thiếu tính bền vững.
Điều này đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa năng lực của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, tăng tính liên kết cùng phát triển trong thời gian tới.