Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là giải pháp quan trọng để Việt Nam chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo giá trị gia tăng, góp phần cải thiện chất lượng nền kinh tế; nâng cao khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong nước. Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các DN trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các DN có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) cũng như chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Phát triển còn hạn chế
Trong những năm qua, CNHT đã luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, định hướng là một trong những ngành ưu tiên phát triển và ưu đãi đầu tư. Với sự ra đời của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3-11-2015 về phát triển CNHT cũng như các văn bản chính sách liên quan, hệ thống pháp luật, chính sách về CNHT đã dần được hoàn thiện, góp phần thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Số lượng và chất lượng của các DN CNHT Việt Nam đã được cải thiện đáng kể; các sản phẩm CNHT phần nào đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Một số DN CNHT trong nước cũng tích cực sử dụng công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành nhà cung cấp trong chuỗi của các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, CNHT Việt Nam vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Đó là các DN CNHT trong nước còn yếu về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật; thiếu nguồn lực để đổi mới; lĩnh vực sản xuất khá giống nhau cả về trình độ, quy mô, công nghệ lẫn sản phẩm; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng đủ yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Bên cạnh đó, sản phẩm CNHT trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.
Theo thống kê các năm gần đây, các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến chiếm tỷ trọng gần 40% trong tổng doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp khoảng gần 14% GDP, giá trị gia tăng thấp so với các ngành công nghiệp khác. Ngoài ra, khả năng tự cung ứng các sản phẩm CNHT của chúng ta còn thiếu; tình trạng nhập siêu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng rất lớn, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp. Tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các ngành sản xuất trong nước thời gian qua đã bộc lộ rõ điểm yếu lớn của kinh tế Việt Nam hiện nay: Nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc nhiều các chuỗi cung ứng nước ngoài; CNHT kém phát triển, không tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất, dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu. Theo Bộ Công thương, nguyên nhân của tình trạng này một phần do việc tổ chức thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ CNHT còn nhiều vướng mắc, thiếu nhất quán và chưa ổn định. Các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ưu tiên phát triển như điện tử, cơ khí trọng điểm, sản xuất và lắp ráp ô-tô, dệt may, da giày,… nhằm tạo thị trường cho các sản phẩm CNHT cũng chưa đạt được những kết quả như mong muốn.